Skip to main content
x
12 October 2020

Trong suốt quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định phải tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để nông nghiệp phát triển toàn diện, nâng cao đời sống người nông dân thì nông nghiệp phải phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa sẽ là nền tảng vững chắc tạo nên sự thay đổi toàn diện đời sống kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước. Việc hình thành các vùng nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu của thị trường, điều kiện sinh thái của từng vùng luôn được đặt ra.

Thành phố Lạng Sơn, với vị trí là trung tâm kinh tế xã hội của tỉnh, song sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thành phố Lạng Sơn do đất nông nghiệp chiếm trên 70% diện tích. Hiện nay tỷ lệ lao động làm nông nghiệp còn chiếm khoảng 20% dân số của Thành phố, sinh sống chủ yếu ở khu vực các xã, với nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Với vị thế và các tiềm năng sẵn có, thành phố Lạng Sơn không chỉ có điều kiện phát triển mạnh trong lĩnh vực thương mại du lịch, mà còn có điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp.

Hiện nay, thành phố Lạng Sơn là một trong những địa phương sản xuất rau với khối lượng sản phẩm lớn của tỉnh, là sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương và người dân các vùng lân cận. Từ nhiều năm nay, Thành phố đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau, và hướng sản xuất rau theo hướng an toàn. Việc đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó, năng suất và chất lượng rau ngày càng được nâng cao. Có thể nói, rau là cây trồng có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Thành phố. Tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hóa những năm qua dao động khoảng trên 80%. Diện tích, năng suất và sản lượng các loại rau qua các năm được duy trì ổn định và phát triển. Những năm gần đây, Thành phố Lạng Sơn đang tập trung đầu tư vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Triển khai gieo trồng rau các loại khu vực xung quanh nhà lưới và triển khai xây dựng nhãn hiệu rau VietGAP, từng bước đáp ứng nhu cầu rau an toàn của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện có trên 10 mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất rau an toàn, giúp hình thành các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau phát triển theo hướng VietGAP, nông dân đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa. Thành phố đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã: Mai Pha, Quảng Lạc, Hoàng Đồng và phường Đông Kinh diện tích trên 100 ha với trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia. 

Trong chăn nuôi, số lượng gia súc tính đến hết năm 2019 đạt 1434 con; số lượng gia cầm trên địa bàn thành phố tăng nhanh, đên nay đạt 126552 con. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thức ăn, thú y và các phương thức chăn nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào chăn nuôi trên địa bàn. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Một số mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được hình thành và phát triển. Đã hình thành các mô hình, cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, gia cầm… với quy mô khá lớn. Điển hình như: HTX An Hồng, xã Quảng Lạc, bên cạnh đầu tư hệ thống khử khuẩn, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, HTX còn quan tâm  khâu chọn giống, thức ăn chăn nuôi, nguồn nước, vệ sinh chuồng trại, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu công việc. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất được đẩy mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm. Phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang được mở rộng, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, vừa đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, số mô hình trang trại sản xuất hàng hóa lớn còn ít, nên số lượng nông sản hàng hóa chưa nhiều, sản phẩm chưa đa dạng; Chất lượng một số nông sản hàng hóa chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp; Quy mô thị trường hàng hóa nông sản còn nhỏ hẹp, phần lớn nông sản được tiêu thụ trên thị trường trong thành phố. Sự kết nối nơi sản xuất với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các đô thị, thành phố lớn chưa nhiều. Hệ thống thông tin ứng dụng vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn mức độ, nhất là trong phát triển thương mại điện tử. Công nghiệp chế biến, hoạt động dịch vụ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phát triển chậm...Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ở thành phố Lạng Sơn trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đây là giải pháp cơ bản quan trọng, tạo nền tảng vật chất để đi nhanh vào hiện đại hóa nền nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Trong trồng trọt: đẩy mạnh việc lai tạo giống mới, mở rộng các công nghệ, mô hình sản xuất đưa nhanh tiến bộ về giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng, nhất là các loại giống mới với công thức luân canh phù hợp với đặc điểm sinh thái, và phát triển sản xuất hàng hóa hiện đại. Tập trung vào các giống lúa, ngô, đậu lạc, rau các loại, cây ăn quả,… cho năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh cơ giới hóa ở các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Tăng cường sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất như; nhà màng, nhà lưới, công nghệ thu hoạch, bảo quản, công nghệ làm sạch,…

Trong chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng, an toan. Sử dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình chăn nuôi. Sử dụng công nghệ giết mổ, chế biến, bảo quản thịt gia súc, gia cầm hiện đại làm gia tăng giá trị, nâng cao chất lương sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cần cần phổ biến tới các hộ nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… 

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngày càng nhiều các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, kinh tế hộ được tổ chức trong hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp... để tiếp nhận các công nghệ mới, đồng bộ ở các khâu, quy trình của chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Đây là biện pháp cơ bản quan trọng nhằm khắc phục điểm nghẽn về thị trường hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất; khơi thông và mở rộng đầu ra cho hàng hóa nông sản, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa ở thành phố phát triển.

Tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tự do buôn bán theo quy định của pháp luật. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp để cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi,…giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm.

Khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa. Hỗ trợ kinh tế hộ, hợp tác xã nông nghiệp sử dụng các loại giống mới có chất lượng cao, mua máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vay vốn, chứng nhận,….

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng ở địa phương đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; quản lý giá cả, chất lượng các loại hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Tích cực, chủ động đấu tranh chống đầu cơ nâng giá; hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại giống cây trồng, giống vật nuôi tác động xấu đến quá trình sản xuất nông sản hàng hóa. 

Phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tăng cường các hoạt động quảng cáo, tiếp thị trên các phương tiện đại chúng, nhất là trên mạng internet. Phát triển hệ thống đại lý, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, bán buôn, bán lẻ; trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trên địa bàn. Khuyến khích các đơn vị kinh tế, các xã, thôn xây dựng các trang điện tử thương mại cá nhân; đồng thời, tham gia vào hệ thống thương mại nông sản điện tử chung của cả nước, tham gia vào các sự kiện này nhằm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.

Thứ ba, Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi dần tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững.

Phát huy vai trò các cơ sở giáo dục, đào tạo, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng lao động nông nghiệp. Nâng cao năng lực và hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ khoa học, hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật, các dịch vụ các phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong bồi dưỡng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã, chú trọng vào kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, nghiệp vụ tổ chức, quản lý, kế hoạch, tài chính, phương pháp tiếp cận thị trường, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp thông qua liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và vị thế của hợp tác xã nông nghiệp.

Thứ tư, Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Việc nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng không những giúp cho nông dân phát triển sản xuất hàng hoá mà còn làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, góp phần trực tiếp nâng cao đời sống của người dân.

Để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cần từng bước hoàn chỉnh đường giao thông ở các xã, nhất là giao thông liên thôn, đường ra vườn, ruộng, đường lên rừng để đảm bảo cho sản xuất và lưu thông hàng hoá nông sản được thuận lợi, chắc chắn sẽ kích thích hộ nông dân sản xuất hàng hoá. Nhà nước cần đầu tư một phần, nông dân sẽ góp công lao động trên tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đây là lĩnh vực đầu tư rất tốn kém, phải xây dựng trong nhiều năm liên tục.

Hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, khắc phục tình trạng kênh mương xuống cấp…nhằm đảm bảo tưới tiêu chủ động và ổn định sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạnh mạng lưới internet, cáp truyền hình, đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các trang thông tin điện tử, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử. Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin của cơ quan nhà nước các cấp; khuyến khích các Hội, ngành, phối hợp cung cấp thông tin bổ ích về kinh tế, văn hóa xã hội; đặc biệt là các thông tin phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản để người sản xuất điều chỉnh sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Với một số giải pháp trên đây, nếu thực hiện đồng bộ và tính toán cụ thể sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá của thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

 

ThS. Hoàng Thị Quyên

Khoa Lý luận cơ sở