Skip to main content
x
16 September 2020

      Ngày 14/7/2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 gồm 6 phần học. Với mục tiêu nhằm trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền và đoàn thể cấp cơ sở những kiến thức cơ bản và cần thiết về lý luận chính trị hành chính, củng cố bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý, kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

      Thực hiện Hướng dẫn số 614-HD/HVCTQG ngày 26/12/2018 về thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thời gian học toàn khóa là 1056 tiết, đối với lớp tập trung học 06 tháng liên tục, đối với lớp không tập trung sẽ căn cứ theo phương thức đào tạo và thời gian thực tế đào tạo đảm bảo số ngày và số tiết theo quy định. Đối với phần thứ nhất những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gồm tổng số tiết là 219, trong đó học lý thuyết là 123 tiết, thảo luận 44 tiết, thời gian tự học tự nghiên cứu là 52 tiết. Thảo luận là một trong nhiều hình thức dạy học có thể phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên trong học tập. Việc dành tới 44 tiết thảo luận (chiếm 36%) trong tổng số 123 tiết lý thuyết đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của vấn đề thảo luận.

      Hiện nay, xu hướng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói chung và phần thứ nhất những vẫn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đang được các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học viên, giúp học viên có thể chuyển vị trí của người học từ thụ động sang chủ động, từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập. Việc thay đổi vai trò người dạy và người học nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là đối với phần thứ nhất những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính - Một trong những phần có nội dung kiến thức mang tính lý luận cao.

      Thảo luận là một trong những phương pháp được các giảng viên sử dụng để phát huy tính tích cực, chủ động của học viên. Thông qua thảo luận các học viên có môi trường và điều kiện để thể hiện sự hiểu biết, năng lực đánh giá vấn đề cũng như vận dụng những tri thức đã học vào hoạt động thực tiễn công tác. Trong quá trình thảo luận, học viên sẽ phải nghiên cứu nội dung bài học, tìm tư liệu và xử lý thông tin trước khi đưa nội dung ra trước tập thể. Tổ chức thảo luận là cơ hội để các học viên trình bày chính kiến, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau trao đổi, đối thoại để giải quyết một vấn đề lý luận hoặc thực tiễn liên quan đến môn học. Đặc biệt là đối với môn những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó giúp học viên hiểu rõ và kiên định với việc lựa chọn nền tảng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

      Những năm gần đây, trong việc giảng dạy theo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói chung và phần thứ nhất những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, việc hướng dẫn thảo luận trên lớp của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ Lạng Sơn đã có những đổi mới như: Chuẩn bị nội dung thảo luận phù hợp với bài giảng, đưa ra được các vấn đề gắn với thực tiễn giúp học viên dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tiễn, học viên có thể tiếp thu dễ dàng mà không còn cảm thấy trừu tượng, khó hiểu. Các giảng viên đã làm chủ được những vấn đề thảo luận, gợi mở vấn đề giúp học viên thảo luận sôi nổi. Đối với các học viên trong quá trình nghiên cứu các phần học cũng đã nêu cao ý thức học tập, phát huy tính tích cực, xác định động cơ đúng đắn, thái độ học tập nghiêm túc. Chính vì vậy, trong buổi thảo luận mỗi học viên khi được giao nhiệm vụ đều chủ động nghiên cứu, trình bày ý kiến của mình về vấn đề được thảo luận… điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập tại nhà trường.

      Tuy nhiên, một số buổi thảo luận còn chưa mang lại hiệu quả cao do việc lựa chọn nội dung thảo luận của giảng viên chưa sát thực với thực tế, nội dung thảo luận mang tính lý luận trừu tượng. Không khí buổi thảo luận trầm lắng, vẫn còn một số học viên chưa tích cực, chủ động tham gia vào buổi thảo luận, vẫn còn tình trạng làm việc theo cá nhân chưa mang tính tập thể của buổi thảo luận, hay một số học viên ngại phát biểu.

      Do vậy, để phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong giờ thảo luận phần thứ nhất những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

      Về phía học viên

      Trước hết, mỗi học viên phải xác định được ý nghĩa việc học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc học tập nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Trải qua 34 năm đổi mới, hiện nay tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn. Cùng với đó, các thế lực thù địch đã sử dụng mọi biện pháp, thủ đoạn để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, thậm chí phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Trước tình hình đó đã tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và đặt ra một yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi cán bộ, đảng viên là nắm vững lý luận, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với con đường mà Đảng ta đã lựa chọn. Chính vì vậy, việc học tập nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp mỗi học viên sau khi tốt nghiệp nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

      Hai là, mỗi học viên phải xác định động cơ và mục đích học tập đúng đắn:         Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng lí luận chính trị đều là những người đã trưởng thành với những độ tuổi và ngành nghề khác nhau, được đào tạo khá bài bản, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác và kiến thức thực tiễn. Khi được cử đi học, các học viên phải sắp xếp công việc để có thể vừa hoàn thành công việc của cơ quan và vừa hoàn thành công việc nghiên cứu lý luận chính trị. Chính vì vậy, muốn học tốt lý luận chính trị, học viên phải xác định rõ động cơ và mục đích học của mình. Bởi đây là một trong những yếu tố hàng đầu tác động đến quá trình học tập của các học viên. Khi mỗi học viên xác định được đúng động cơ học tập của mình là nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn để làm việc, để làm cán bộ. Chỉ khi đó, học viên mới có đủ quyết tâm khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý để có thể vừa hoàn thành việc học và hoàn thành công việc của cơ quan và đặc biệt là khi xác định được mục đích của việc học thì mỗi học viên sẽ có tâm thế trong quá trình học, tích cực tham gia trong quá nghiên cứu, đặc biệt là chủ động trình bày chính kiến, hiểu biết của mình trong giờ thảo luận.

      Ba là, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, thụ động tích cực tham gia nghiên cứu trao đổi: Ý thức tự học của học viên là một nhân tố quyết định đến chất lượng dạy và học nói chung, giờ thảo luận nói riêng, nhất là đối với những môn học mang tính lý luận trừu tượng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giờ thảo luận, học viên đóng vai trò trung tâm, thực hiện giải quyết các yêu cầu của chủ đề thảo luận, giảng viên là đóng vai trò là người tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, chất lượng giờ thảo luận phần lớn phụ thuộc vào sự chuẩn bị nội dung, vào ý thức tự học, tự nghiên cứu của học viên. Do đó, mỗi học viên phải có phương pháp học tập khoa học, từ cách nghe giảng, ghi chép đến cách đánh giá những vấn đề liên quan đến nội dung học và gắn với thực tiễn. Thường xuyên xem lại những nội dung lý thuyết đã được các giảng viên truyền đạt trong bài giảng và trong quá trình học tập phải thay đổi nhận thức, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình thảo luận. Xóa bỏ tư tưởng ỷ lại vào những thành viên của nhóm, tránh tình trạng một người làm việc cho cả nhóm. Bên cạnh đó, mỗi học viên phải xây dựng cho mình tinh thần tự giác nghiên cứu, tìm kiếm những thông tin liên quan đến nội dung thảo luận, đánh giá thực tiễn một cách khách quan. Trên cơ sở những kiến thức thu được học viên sẽ tự tin trình bày ý kiến của mình trước tập thể lớp, tích cực tham gia vào hoạt động thảo luận.

      Về phía giảng viên

      Để buổi thảo luận thực sự có ý nghĩa đối với việc phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của học viên trong tìm tòi, mở rộng kiến thức bên cạnh việc mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, khả năng am hiểu thực tế thì mỗi giảng viên cũng cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:

      Thứ nhất, giảng viên lựa chọn nội dung thảo luận vừa phát huy được kiến thức lý luận và vừa gắn với thực tiễn của người học: Khi sử dụng phương pháp thảo luận thì việc lựa chọn chủ đề, nội dung thảo luận có vai trò rất quan trọng. Người giảng viên phải căn cứ vào nội dung chương về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học hay tư tưởng Hồ Chí Minh và căn cứ vào đối tượng người học để lựa chọn hệ thống câu hỏi thảo luận phù hợp. Việc lựa chọn câu hỏi thảo luận có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thảo. Nếu hệ thống câu hỏi mang tính trình bày, nêu vấn đề thì phần thảo luận của học viên chỉ dừng lại ở việc sao chép giáo trình rồi đọc lại, như vậy sẽ không kích thích tính tư duy của người học, tạo ra sự nhàm chán trong giờ thảo luận. Còn đối với những câu hỏi khó, mang tính chứng minh thì học viên sẽ gặp khó khăn trong sự tổng hợp tri thức, học viên không làm sáng tỏ được vấn, điều này tạo ra không khí trầm lắng và nặng nề trong giờ thảo luận. Vậy, việc xây dựng hệ thống câu hỏi thảo luận cho từng phần học phải là những vấn đề cụ thể, kích thích học viên suy nghĩ, trao đổi hoặc tranh luận. Giảng viên khi lựa chọn nội dung thảo luận phải phù hợp và được học viên quan tâm, đặt ra những vấn đề gắn với thực tiễn ở cơ quan hoặc địa phương mà người học tiếp xúc hàng ngày. Bên cạnh đó việc lựa chọn nội dung thảo luận phù hợp với người học sẽ kích thích tính sáng tạo, tinh thần hăng say học tập, làm cho người học “động não”, “hăng hái”, “sôi nổi tranh luận”, cùng chia sẻ trách nhiệm, huy động được những kinh nghiệm, hiểu biết của mình trong quá trình công tác trước tập thể. Riêng đối với phần thứ nhất những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giảng viên có thể lựa chọn những vấn đề đang được quan tâm như: Sự tác động của quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, hay đối với phần tư tưởng Hồ Chí Minh giảng viên nên chú ý lựa chọn nội dung lý luận gắn với việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

      Thứ hai, khi tiến hành thảo luận, giảng viên chủ động tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, kích thích sự hăng hái tham gia của người học: Thực tế cho thấy một số học viên ngại phát biểu hoặc không muốn phát biểu  vì sợ nói lại kiến thức mà thầy đã giảng hoặc bạn khác đã phát biểu, sợ phát biểu sai về quan điểm, còn khi liên hệ thực tiễn học viên lại ngại nói đến cơ quan đơn vị hoặc không biết liên hệ như thế nào trong công việc của mình. Để buổi thảo luận có được không khí vui tươi, sinh động, có thể phát huy năng lực toàn diện cho học viên từ tâm lý, tính cách cho đến kỹ năng phát biểu thì người giảng viên khi hướng dẫn thảo luận phải rất tế nhị khéo gợi mở, tạo sự gần gũi giữa giảng viên và học viên, khơi gợi sự hứng thú tạo động cơ học tập tích cực cho học viên. Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành thảo luận giảng viên cũng phải quan sát hoạt động của các nhóm, từ đó có những đánh giá chính xác năng lực, ý thức của từng học viên để kịp thời chấn chỉnh thái độ học tập không tốt của một số học viên.

      Thứ ba, mỗi giảng viên cần đổi mới hình thức thảo luận: Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng lớp, giảng viên có thể chia theo nhóm, theo tổ và định hướng thảo luận: Chia nhóm, chia tổ bốc thăm nhóm nào phải trả lời câu hỏi đã định hướng trước, giảng viên và nhóm còn lại chưa trình bày phải theo dõi nhóm trình bày đã đầy đủ hay chưa? Còn thiếu nội dung gì, cần bổ sung nội dung nào, nội dung nào chưa chính xác? Khi tổng kết đánh giá sau khi thảo luận đây là khâu cuối cùng của hoạt động thảo luận. Người giảng viên phải tìm ra được vấn đề, có thể xem như chân lý mà mỗi nhóm, tổ đã đạt được hoặc chưa đạt được. Ngoài ra, cũng cần đánh khả năng làm việc của nhóm, tổ. Các nhóm, tổ làm việc có nghiêm túc, khoa học hay không? những ai tích cực, những ai chưa tham gia vào thảo luận còn làm việc riêng, cần rút kinh nghiệm gì? Giảng viên nên nhận xét cụ thể, khách quan và khích lệ tinh thần học tập của học viên.

vb

               Học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khoá 17 năm 2020

                                          trong giờ thảo luận (Ảnh: Phạm Tuấn)

      Có thể thấy rằng phương pháp thảo luận theo nhóm là phương pháp tốt nhất vì nó phát huy tính tích cực của học viên, giúp học viên tự ý thức được trách nhiệm, cùng tham gia, cùng chia sẻ trách nhiệm trong học tập, tự giám sát lẫn nhau, ai học tốt, chưa tốt để hỗ trợ, giúp đỡ nhau, chọn ra phương pháp học tập tốt nhất, có hiệu quả nhất. Góp phần nâng cao chất lượng của công tác đào tạo bồi dưỡng tại trường Chính tr\ị Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn hiện nay./.

                                                                                         Lương Thị Tuyên

                                                                               Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở